Sức trẻ của Colory có bền bỉ theo thời gian? Ảnh: P.V
Nhóm Colory làm phim hoạt hình Dưới bóng cây đang gây sốt trên cộng đồng mạng có bảy thành viên, tuổi đời 18 – 28, gắn kết với nhau bởi ước mơ sản xuất những bộ phim hoạt hình của người Việt, cho khán giả Việt. Sự hưởng ứng của cộng đồng mạng và những người yêu mến phim hoạt hình Việt đã khiến nhóm quyết tâm đầu tư tiếp dự án mang tên Kids về một cậu bé Việt Nam dễ thương.
Đỗ Đăng Thường, bên cạnh công việc của một giám đốc sáng tạo trong tập đoàn quảng cáo cũng dành mấy tháng trời để thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tay mang tên Hành trình vô định. Dự án điện ảnh trực tuyến YxineFF năm 2010 cũng thu hút khoảng năm phim hoạt hình ngắn của các nhóm trẻ tham gia. Hầu hết các nhóm đều có những ý tưởng thú vị và đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho đam mê của mình.
Nhưng từ câu chuyện, hiện tượng những phim hoạt hình ngắn vài phút, xuất hiện trên mạng như một kiểu tự phát đến ước mơ về một công nghệ hoạt hình có phim chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình như mong ước của nhiều người là một chặng đường rất dài.
Không giải được bài toán kinh doanh
Người trong nghề chắc còn nhớ câu chuyện của Minh Dofilm, người được cho là có nhiều “trải nghiệm cay đắng” nhất về khát khao thực hiện phim hoạt hình Việt Nam. Minh lập công ty chuyên làm phim hoạt hình và kết quả là phá sản sau hai năm hoạt động, kèm căn nhà không cánh mà bay. Gần đây, người ta thấy tên của Minh Dofilm xuất hiện với tư cách là nhà sản xuất các bộ phim nhựa chiếu rạp, chẳng dính dáng gì đến hoạt hình. Giữa hai thế giới là phim mới nhất Minh tham gia sản xuất.
Sức trẻ của Colory có bền bỉ theo
“Nếu phim hoạt hình Việt ra rạp mà các bạn đem so với Kungfu Panda thì chỉ có từ chết tới chết. Hành trình làm phim hoạt hình rất gian nan, tôi ủng hộ các bạn Colory nhưng cũng muốn các bạn hãy bình tĩnh, đừng nhìn mọi thứ màu hồng kẻo đi vào vết xe đổ của tôi trước đây”.
MINH DOFILM
Có phải ước mơ của Minh Dofilm đã chết? “Không chết nhưng nó chỉ còn sống lay lắt. Ngày xưa mình quá mơ mộng, nghĩ rằng mình có đam mê thì sẽ có người ủng hộ. Đến khi bắt tay vào làm phim thì biết rằng, không ai ủng hộ mình cả. Tất cả những dự án phim tôi làm gần đây cũng chỉ để nuôi dưỡng cho bộ phim hoạt hình trong tương lai. Dự kiến trong năm tới, tôi sẽ đo lường lại thị hiếu khán giả bằng một bộ phim chiếu rạp kết hợp yếu tố người thật và hoạt hình. Nhưng thôi, lần này tôi sẽ không ồn ào nữa vì tôi đã nói quá nhiều mà chưa làm được gì cho phim hoạt hình Việt!”, Minh Dofilm thổ lộ.
Lý giải về sự lay lắt của phim hoạt hình Việt, Minh Dofilm cho rằng đơn giản bởi “các nhà sản xuất không dám đầu tư vào phim hoạt hình vì không cách gì thu hồi lại vốn”.
Năm 2007, Minh Dofilm và những người bạn của mình đã ôm dự án phim hoạt hình Dế mèn phiêu lưu ký sang Mỹ để thuyết phục các nhà sản xuất nước ngoài. Các nhà sản xuất quyết định bỏ 1 triệu USD với điều kiện trong vòng hai năm thu đủ vốn, không cần lời. Sau một thời gian dài tính toán, đo lường thị trường, cả nhà sản xuất lẫn Minh đều rút lại ý định bởi theo Minh, may mắn nhất cũng chỉ thu lại nửa vốn!
Đầu quân vào các xưởng hoạt hình nước ngoài
Phim hoạt hình 6 phút 30 giây của Bùi Quốc Thắng từng nhận giải Trái tim trẻ tại YxineFF năm 2010.
Rất nhiều hoạ sĩ, những người làm phim hoạt hình Việt Nam chọn đường đi thoả đam mê của mình bằng cách đầu quân vào các xưởng hoạt hình gia công phim cho nước ngoài. Tại Việt Nam, có ba, bốn xưởng hoạt hình với vài chục đến cả trăm người chuyên vẽ và làm phim hoạt hình cho nước ngoài, trong đó xưởng Armada chuyên gia công cho hoạt hình Pháp là hoạt động mạnh và ổn định nhất.
Chính tại những hãng như Armada, nơi gia công các phim nổi tiếng như Lucky Luke, Anh em Dalton, Lou Lou… những người làm hoạt hình được thoả mãn đam mê nhưng cũng chính tại đây, họ giết chết ước mơ của mình. Phạm Duy Đăng, người vẽ hoạt hình cho người Pháp đã bỏ xưởng ra đi làm nghề khác sau mười năm làm việc. “Làm việc tại những hãng như vậy chỉ chuyên gia công kịch bản, ý tưởng của nước ngoài chứ không có đất cho sự sáng tạo riêng. Đến một lúc nào đó, chúng tôi sẽ bị chững tay nghề, không tiến xa được nữa. Thế nhưng, nếu có người đầu tư cơ sở sản xuất phim hoạt hình với ý tưởng của người Việt, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại”, Phạm Duy Đăng tâm sự.
Thế nhưng, khi đem câu chuyện về một phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp hoặc phát sóng truyền hình hỏi nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất phim thì câu trả lời rất ư… bi đát. Hầu hết các nhà sản xuất đều cho biết không ai dám mạo hiểm trong thời điểm này bởi nạn đĩa lậu hoành hành, phim có ra rạp cũng không thể cạnh tranh với hoạt hình Mỹ.
“Chúng tôi thấy các bạn trẻ làm phim Dưới bóng cây rất tâm huyết nên cùng các bạn tặng 1.000 đĩa DVD cho khán giả khi đến xem phim tại cụm BHD Star Cinema. Nhưng sản xuất một bộ phim hoạt hình dài chiếu rạp là chuyện hoàn toàn khác. Điều kiện sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam quá yếu. Chúng ta thiếu kinh nghiệm, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất và quan trọng nhất là bài toán doanh thu của phim hoạt hình”, bà Ngô Bích Hiền, giám đốc BHD chi nhánh TP.HCM chia sẻ.
NGUYỄN TRÂM ANH
Nguồn: SGTT